TÓM TẮT TIỂU SỬ CỦA TỔNG BÍ THƯ HÀ HUY TẬP (1906 – 1941) | ||
Hà Huy Tập sinh ngày
24-04-1906 tại làng Kim Nặc , tổng Thổ Ngọa , nay là xã Cẩm Hưng , huyện Cẩm
Xuyên , tỉnh Hà Tĩnh . Đó là một vùng quê miền Trung đồng chua ,
nước mặn , bạc màu , khí hậu vô cùng khắc nghiệt . Nhưng chính mảnh đất cằn cỗi
ấy lại có truyền thống văn hóa , lịch sử hào hùng ; đã sản sinh ra danh nhân
Nguyễn Du , Nguyễn Công Trứ và các anh hùng Phan Đình Phùng , Cao Thắng
…
Hà Huy Tập sinh
ra trong gia đình nhà nho nghèo . Thân sinh là cụ Hà Huy
Tường đỗ Cử nhân nhưng không ra làm quan mà trở về nhà dạy học và
bốc thuốc . Mẹ là Nguyễn Thị Lộc một phụ nữ nông dân thực thụ quanh năm chân
lấm, tay bùn, tần tảo nuôi chồng , nuôi con .
Hà Huy Tập là một trong năm người con
trong gia đình , lúc nhỏ tên là Hà Huy Khiêm , còn gọi là Ba . Từ năm 1910 đến
1919 học chữ Nho tại quê nhà và học Tiểu học tại Thị xã Hà Tĩnh . Với tư chất
thông minh , tiếp thu nhanh , trí nhớ tốt ; Hà Huy Tập sau khi tốt nghiệp Tiều
học quyết định thi vào trường Quốc Học – Huế và từ năm 1919 đến 1923 ông học tại
trường này . Trong 4 năm học , năm nào ông cũng xếp hạng nhất , nhì trong lớp và
nhận được nhiều phần thưởng , học bổng của trường .
Năm 1923 tốt nghiệp Diplôme , được phân
về dạy tại trường Tiểu học Nha Trang (nay là trường THPT Nguyễn Văn Trỗi) cho
đến năm 1926 . Tại đây , ông không những dạy học cho lớp trẻ mà còn dạy chữ cho
Công nhân và nhân dân nghèo với sách vở do chính tiền của ông mua , phát . Tháng
6-1926 ông được kết nạp vào Tân Việt Cách Mạng Đảng là tiền thân của Đảng Cộng
Sản Việt Nam và là một trong những người thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên tại
Khánh Hòa .
Từ tháng 8-1926 đến tháng 7-1928 ông chăm
lo hoạt động phát triển Đảng và dạy văn hóa cho các tầng lớp lao động nghèo từ
Vinh (Nghệ An) đến Bà Rịa , Biên Hòa , Sài Gòn - Gia Định
.
Tháng 12-1928 sang Quảng Châu (Trung
Quốc) để đến với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ; sau đó được cử đi học tại
Mátxcơva với bí danh Xinhítxkin cho đến tháng 4-1933 . Trong thời gian này ông
đã soạn thảo “Chương trình hành động của Đảng Cộng sản Đông Dương” và
“Sơ thảo lịch sử phong trào Cộng sản ở Đông Dương”
.
Tháng 8-1933 đến tháng 7-1936 về Quảng
Châu trực tiếp chỉ đạo phong trào Cách mạng trong nước ; và ngày 26-7-1936 ông
được cử làm Tổng Bí Thư của Đảng .
Cuối tháng 7-1936 đến 3-1938 ông về nước
hoạt động , khôi phục lại các ban Đảng và các tổ chức quần chúng ; chỉ đạo Đảng
hoạt động công khai và bán công khai . Ngày 30-3-1938 ông chủ trì hội nghị lần
thứ 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng tại Bà Điểm và thôi giữ chức Tổng Bí Thư ,
nhưng vẫn tham gia Thường vụ Trung ương Đảng .
Ngày 1-5-1938 Hà Huy Tập bị bắt do có chỉ
điểm trong khi tham dự ngày Quốc tế Lao động tại Sài Gòn . Từ đó cho đến năm
1941 ông bị giam tại các nhà giam Sài Gòn , Nghệ An với nhiều bản án từ cấm lưu
trú , bị quản thúc , tước quyền công dân và chính trị đến tử hình vì “có trách
nhiệm tinh thần” về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ .
Ngày 28-8-1941 Ông bị xử bắn tại Ngã tư
Giếng Nước ở Hóc Môn (Gia định) . Bức thư cuối cùng ông gửi cho gia đình viết
“gia đình bạn hữu chớ xem tôi là chết mà phải buồn , trái lại xem tôi như là
người còn sống , nhưng đi vắng một thời gian vô hạn mà thôi” .
Tổng Bí thư Hà Huy Tập thuộc thế hệ những
người Công sản đầu tiên . Cuộc đời của Ông khép lại ở tuổi 35 còn tràn đầy sung
mãn , nhiệt huyết , hoài bão . Tuy thời gian hoạt động ngắn nhưng Ông đã cống
hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng , của Dân tộc . Ông đã để lại cho
Đảng những bài học quí báu cả về lý luận và thực tiễn hoạt động cách mạng . Ông
là người đầu tiên viết lịch sử Đảng , người phục hồi nhanh chóng hoạt động cơ
quan lãnh đạo của Đảng sau thời kỳ 1931-1932 , tạo nên cao trào mới cho hoạt
động công khai và bán công khai 1936-1939 . Những di sản của Ông luôn trường tồn
cùng Giai cấp , cùng Dân tộc như lời nhắn nhủ của Ông “xem tôi như là
người còn sống” .