Mexico tìm thấy hóa thạch cá niên đại 110 triệu năm;
Các nhà khoa học Mexico mới đây đã tìm thấy hóa thạch hai loài cá có niên đại 110 triệu năm, tức thuộc vào Kỷ Phấn trắng, tại khu dân cư El Chango, huyện Ocozocoautla de Espinosa thuộc bang Chiapas, địa phương được mệnh danh là "quê hương hóa thạch" của nhiều loài động vật tại Mexico và Mỹ Latinh.
Theo Giám đốc Viện nghiên cứu cổ sinh vật thuộc Bộ Môi trường và Lịch sử tự nhiên Mexico, tiến sỹ Marco Antonio Coutiño, hai hóa thạch cá này được đặt tên khoa học là "Pepemkay maya" và "Zoqueichthys carolinae" để tôn vinh hai nền văn hóa Maya và Zoque hiện vẫn còn tồn tại ở bang Chiapas.
Hóa thạch hai loài cá
Theo đánh giá sơ bộ, hai loài cá này thuộc hệ động vật có xương sống trong thời đại hiện nay.
Về bề ngoài, cá "Pepemkay maya" có bộ não phát triển, vây có năm xương và tám đường kẻ vạch mềm, trong khi cá "Zoqueichthys carolinae" lại có mào, và vây có tới tám xương và 12 đường kẻ vạch mềm.
Từ nhiều năm, hóa thạch hai loài cá này đã được phát hiện tại Anh, Israel, Italy, Lebanon, Morocco và Bồ Đào Nha.
Các nhà khảo cổ cho rằng với phát hiện này, khoa học lại có thêm bằng chứng nữa để khẳng định vùng đất Chiapas của Mexico rất đa dạng về sinh học và động vật ngay từ thời tiền sử.
Theo kế hoạch, hai hóa thạch trên sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Eliseo Palacios Aguilera, tại Tuxtla Gutiérrez, thủ phủ bang Chiapas, Đông Nam Mexico, nhằm phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước.
|
Theo Vietnam+
Ếch vàng bí ẩn tại Anh
Các chuyên gia về động vật tỏ ra bối rối khi họ xác định danh tính những con ếch màu vàng trong một thung lũng lạnh lẽo ở nước Anh.
Steve Atkin, một người đàn ông 55 tuổi tại thành phố Derby ở miền trung nước Anh, phát hiện 4 con ếch vàng ở lối đi phía sau nhà ông. Do chúng không chuyển động nên ban đầu Atkin nghĩ rằng chúng là đồ chơi, nhưng ông sửng sốt khi chạm vào chúng, Caters News đưa tin.
Một trong bốn con ếch vàng mà ông Steve Atkin phát hiện. (Ảnh: Caters News)
"Tôi nói với vợ và bà ấy bảo tôi nên cứu chúng. Vì thế tôi thả chúng vào một bát nước rồi đem vào nhà. Chúng tôi không biết chúng thuộc loài ếch nào. Một trong bốn con đã chết. Tôi muốn trao chúng cho một người có khả năng xác định nguồn gốc của chúng", Aktin nói.
Atkin đã gửi ảnh và video về những con ếch tới Tổ chức Bảo vệ Thiên nhiên Derby, song các nhà khoa học của tổ chức này không thể xác định danh tính của chúng.
Chris Wood, một thành viên của Tổ chức Bảo vệ Thiên nhiên Derby, nói rằng ông đã nhờ các chuyên gia ở thành phố Manchester xác định con vật. Ông lo ngại rằng chúng có thể đe dọa động vật bản địa.
"Chắc chắn đây là một loài động vật ngoại lai. Chúng tôi không biết nguồn gốc của chúng nhưng chúng tôi lo ngại chúng có thể gây nên hậu quả khó lường đối với các loài của Anh", Wood phát biểu.
Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên và Hiệp hội Động vật London dự đoán có thể những con ếch của Atkin thuộc loài ếch Xenopus laevis tại châu Phi. Mỗi chân sau của ếch Xenopus laevis có ba vuốt để chúng xé mồi. Chiều dài thân của chúng có thể đạt tới 10cm và người ta thường nuôi chúng trong nhà. Ếch Xenopus laevis sống rất lâu. Tuổi thọ của chúng có thể lên tới 20-30 năm trong điều kiện nuôi nhốt.
|
|
Theo VNE
New Zealand mừng sự ra đời của 1 con gấu trúc đỏ
Sở thú Auckland của New Zealand vừa thông báo sẽ tổ chức buổi lễ mừng sự ra đời của một con gấu trúc đỏ tại đây. Hoạt động này nằm trong chương trình quốc tế nhân giống các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao.
Con gấu trúc đỏ chào đời đúng dịp Noel năm ngoái, là gấu trúc đỏ đầu tiên được sinh ra ở Vườn thú Auckland trong 10 năm qua.
Đây là đứa con đầu lòng của gấu trúc đỏ mẹ có tên Bo, khi sinh chỉ cân nặng 105 gram nhưng đến nay đã tăng lên 240 gram. "Mẹ Bo" 3 tuổi, được đưa đến Vườn thú Auckland giữa năm 2012, còn gấu trúc đỏ bố là Sagar, 12 tuổi, được đưa đến công viên này năm 2010.
Gấu trúc đỏ mới ra đời tại vườn thú Auckland
Theo thông báo của Sở thú Auckland, sự ra đời của gấu trúc con là một kỳ tích bởi "mẹ Bo"mới chỉ gặp "bố Sagar" hồi tháng 8 năm ngoái, hơn nữa gấu trúc đỏ cái chỉ có hai thời kỳ sinh sản mỗi năm, trong khi một gấu trúc đực chỉ có thể giao phối với con cái từ một đến hai ngày. Bo là một "bà mẹ" tuyệt vời, nằm trong ổ gần như suốt ngày để cho con bú một cách cần mẫn.
Sẽ phải mất 8-10 tuần nữa gấu trúc con mới có thể ra ngoài cho du khách chiêm ngưỡng, vì gấu trúc đỏ phát triển chậm và phụ thuộc vào sự nuôi dưỡng của gấu mẹ ít nhất là ba tháng. Mặc dù cuối tháng Hai mới là thời điểm thích hợp để xác định giới tính của gấu trúc con, song các bác sĩ thú y quả quyết đây là một "cô" gấu trúc đỏ.
Gấu trúc đỏ được Liên đoàn Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế đưa vào danh sách những loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao do nạn phá rừng, du canh du cư và tình trạng săn bắt trái phép.
Theo Chương trình nhân giống các loài có nguy cơ tuyệt chủng cao, năm 2010, Sở thú Auckland đã gửi gấu trúc đỏ cái Khosuva tới Vườn thú Darjeeling của Ấn Độ để "cặp" với một chú gấu trúc nhân giống. Con của cặp đôi này sẽ được thả về rừng ở Nepal. Đổi lại, Vườn thú Đagilinh chuyển gấu đực Sagar đến Vườn thú Auckland thực hiện nhiệm vụ duy trì nòi giống.
Ngoài gia đình Bo, Sagar và gấu con mới sinh, Vườn thú Auckland còn có hai con gấu trúc đỏ khác là hai chị em Maya 16 tuổi và Amber 12 tuổi.
|
|
Theo Vietnam+
Diều hâu nằm ngửa bất lực vì ăn quá no
ị bội thực sau khi chén sạch một con chim, chú diều hâu đuôi đỏ không thể bay nổi mà phải nằm ngửa bất động trên bãi cỏ để nghỉ ngơi.
Nhiếp ảnh gia Steve Shinn chụp được khoảnh khắc chú chim ăn thịt nằm ngửa trên bãi cỏ sau khi đánh chén quá no trong một khu bảo tồn thiên nhiên ở TP. Long Beach, bang California.
Chú diều hâu không thể đi nổi sau khi ăn cả một con sâm cầm.
Nhân viên cứu hộ đã đưa kẻ tham ăn về nghỉ ngơi và hồi phục.
“Tôi bắt gặp con chim đó trong tư thế bất thường, có lẽ nó khá khổ sở vì ăn quá no”, Shinn nói.
“Nó đã ăn cả một con sâm cầm ở gần bờ suối trong suốt gần nửa tiếng, sau đó nó bước đi lạch bạch được khoảng 15m rồi mới ngã ngửa ra".
Thấy chú chim vẫn thở được, Shinn đã gọi cho lực lượng cứu hộ hoang dã ở khu vực. Một nhân viên đã có mặt tại hiện trường không lâu sau đó. Chú chim tham ăn được đưa về nghỉ ngơi và bình phục hoàn toàn vào ngày hôm sau.
|
|
Theo Khampha
Chim bồ câu hồng xuất hiện tại Anh
Bộ lông màu hồng của một con chim bồ câu ở thành phố London khiến các nhà điểu học cảm thấy bối rối.
Con chim xuất hiện tại khu vực Ealing, thành phố London. Jean Moles, một phụ nữ ở Ealing, cảm thấy ngạc nhiên khi thấy con chim hồng trên mái nhà hàng xóm vào hôm 11/8, Telegraphđưa tin.
Con chim bồ câu với bộ lông màu hồng ở thành phố London. (Ảnh: BPM)
"Nó đậu trên mái nhà phẳng ngay sát cửa sổ nhà tôi. Đó là một con bồ câu hồng với những sọc trắng và đầu xám. Tôi chưa bao giờ thấy một con chim như thế trong suốt 74 năm qua. Người đàn ông mang quốc tịch Pháp ở nhà bên cạnh đã chụp một bức ảnh con chim và ông ấy cũng chưa bao giờ thấy một con bồ câu có màu lông tương tự. Tôi đã cung cấp thức ăn cho nó", bà Moles nói.
Loài chim hồng duy nhất trên thế giới có tên khoa học là Nesoenas mayeri. Nhưng chúng là loại cực hiếm và phân bố ở Mauritius, nơi cách nước Anh vài nghìn km. Loài này có cánh màu xám, chứ không phải cánh màu hồng như con chim tại London.
Tim Webb, một thành viên của Hiệp hội Bảo vệ chim Hoàng gia Anh, xác nhận rằng con chim mà bà Moles thấy là bồ câu.
"Những thức ăn có hàm lượng beta carotene và canthaxanthin - những sắc tố tự nhiên vô hại - có thể thay đổi màu lông của chim. Hồng hạc có lông màu hồng vì chúng ăn tôm. Tuy nhiên, tôi cũng không loại trừ khả năng bộ lông màu hồng của con chim bồ câu là hậu quả của việc nó rơi xuống một vũng nước chứa phẩm màu. Cũng có thể ai đó đã nhuộm bộ lông của nó",Webb nói.
|
|
Theo VNE, Telegraph
Tuần lộc lông trắng như tuyết hiếm thấy xuất hiện tại Anh
Một con tuần lộc do mắc phải một biến dị di truyền hiếm gặp khiến bộ lông của nó trở nên trắng như tuyết sẽ xuất hiện tại Trung tâm Vườn Trại Victoria, Bắc Yorkshire (Anh) trong mùa Giáng sinh năm nay.
Tuần lộc trắng hiếm thấy tại Anh
Con tuần lộc cái 6 tháng tuổi này được xác định không mắc chứng bạch tạng bởi đôi mắt của nó không hề chuyển sang màu đỏ.
Mark Noble, 44 tuổi, một trong những chủ sở hữu trung tâm trên cho biết: "Tỷ lệ một con tuần lộc trắng tuyết được sinh ra là 1/10.000. Chúng tôi cảm thấy rất may mắn khi có Snow (tên tuần lộc trắng) và chúng tôi đã rất vui mừng khi phát hiện ra nó trong trang trại của chúng tôi".
Con tuần lộc trắng 6 tháng tuổi e thẹn lấp sau cây linh sam
Ông Mark cũng cho biết, ông đã nuôi tuần lộc nhiều năm nhưng chưa bao giờ biết tới bất kỳ trường hợp tương tự nào như thế xảy ra.
Các em bé đến thăm tuần lộc trắng Snow đều cảm thấy rất thích thú và thừa nhận rằng Snow thật tuyệt vời. Nhiều em bé đã hét lên sung sưóng ngay từ cái nhìn đầu tiên - Mark kể lại.
Ngoài tuần lộc trắng, Trung tâm Vườn Trại Victoria còn "cử" một chú chó Newfoundland to lớn tới kéo xe chở cây thông Noel cho cho một quỹ từ thiện địa phương.
Những con chó Newfoundland, có thể nặng tới 77kg, nổi tiếng là loài chó có kích thước to lớn, đặc biệt trung thành, mạnh mẽ và rất điềm tĩnh.
Chó Newfoundland giúp vận chuyển cây thông Noel cho quỹ từ thiện địa phương
|
|
Theo Daily mail, Giáo Dục
Bọ ngựa ăn thịt cá vàng
Hình ảnh hiếm thấy bọ ngựa vớt cá vàng chết làm thức ăn đã được nhiếp ảnh gia Scott Cromwell, đến từ bang Oklahoma (Mỹ), ghi lại được.
"Tôi phát hiện thấy rằng một trong hai con cá vàng trong bể nhà tôi bị chết và nổi lên mặt nước.
Trong khi, con bọ ngựa tôi nuôi trong vườn chưa ăn vài ngày gần đây và tôi đã thử phản ứng của nó với những con cá. Tôi đưa con bọ ngựa lên thành bể cá và chờ”, ông Scott Cromwell kể lại.
Ngay sau đó, con bọ ngựa đã bò vào bể cá và bơi xuống nước để đưa con cá vàng chết ra khỏi bể. Sau khi đưa được con cá vàng ra khỏi bể, con bọ ngựa đã dùng con cá vàng chết này để làm bữa ăn trưa cho riêng nó.
Được biết, loài bọ ngựa được ông Scott Cromwell nuôi trong vườn là một trong số ít loài bọ ngựa ăn con mồi đã chết, nhưng ông Scott rất bất ngờ khi thấy con bọ ngựa dám bơi xuống nước để vớt con mồi.
|
|
Theo Bee
Câu được cá trê vàng khổng lồ
Một người Anh đam mê câu cá đã thiết lập một kỷ lục thế giới mới sau khi bắt được con cá trê bị bạch tạng có trọng lượng lên tới 88,2 kg và dài 2,4m tại sông Ebro, gần Barcelona, Tây Ban Nha.
Ông Chris Grimmer phải nhờ tới sự giúp đỡ của hai người bạn câu khác nữa mới có thể nâng gã khồng lồ này lên trên mặt nước để chụp ảnh lưu niệm trước khi đưa nó trở lại dòng sông một cách an toàn.
Câu được cá trê vàng khổng lồ
Đây được coi là một trong số những con cá trê lớn nhất thế giới mà con người từng bắt được và nó cũng là con cá trê bạch tạng lớn nhất từ trước tới nay con người được biết tới.
Kỷ lục cá trê lớn nhất thế giới được ghi nhận vào năm 2005 khi một người Thái Lan bắt được con cá trê nặng 293 kg trên sông Mekong.
Vào tháng 10/2007, một người dân Campuchia cũng bắt được con cá da trơn nặng 204 kg, dài 2,4m tại sông Tonlep Sap, một nhánh sông Mekong.
Cá trê khổng lồ bắt tại sông Mekong năm 2007.
Trong năm 2003, loài cá da trơn khổng lồ sống trên sông Mekong đã được liệt kê vào danh sách những loài cực kỳ nguy cấp của Liên minh Bảo tồn thế giới sau khi các kết quả nghiên cứu được công bố cho thấy số lượng loài cá này đã giảm đi ít nhất 80% kể từ năm 1990 cho tới thời điểm đó.
Một phần nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do nạn đánh bắt quá mức cho phép và việc xây dựng các con đập trên sông Mekong làm cho loài cá khổng lồ này mất nơi trú ngụ và sinh sản.
|
|
Theo Xã luận
Bên trong cơ thể cá
|
|
Tháng 7 tới, Bảo tàng lịch sử quốc gia Amithsonian sẽ tổ chức triển lãm tại thành phố New Haven, tiểu bang Connecticut (Mỹ) với chủ đề "Bên trong cơ thể loài cá".
Cá rắn Moray có một bộ hàm thứ hai bên trong cổ họng gọi là vòm mang. Moray là loài cá lớn ăn thịt sống trên rạn san hô.
 Loài cá lưng gai này được trưng bày tại bảo tàng từ năm 1910, cho đến nay, bộ xương của nó vẫn còn nhìn rõ nét. Cá lưng gai sống ở những bãi đá phía đông Thái Bình Dương, ăn động vật thân giáp và động vật thân mềm.
 Sống ở khu vực nước xiết, nên loài cá chạch có một bộ vây hình lưỡi liềm ở phía dưới để bám vào các tảng đá.
 Khi bị đe dọa, chiếc gai của loài cá rạn san hô sẽ tự dựng đứng lên.
 Loài cá ngựa Nhật Bản có chiều dài khoảng 2,5 cm. Chiếc đuôi cong cho phép nó đứng dưới nước bằng cách bám vào tảo hay san hô.
 Tên của loài cá này là “Cá dốc đầu”, vì đầu của chúng lúc nào cũng cúi xuống, nó thích sống ở vùng nước nông phía tây Đại Tây Dương.
 Mỗi khi bị đe dọa, cơ thể loài cá nóc nhím thường phồng lên với những cái gai rất dài.
|
|
Theo LiveScience, VNE
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét